Khi những thị trường lâu năm ngày càng trở nên “kén chọn” nhà đầu tư, khả năng “cung” không còn nhiều và biên độ tăng giá đang dần thu hẹp lại,.. xu hướng đầu tư dịch chuyển sang “vùng đất mới” đang được quan tâm, đặc biệt là thị trường bất động sản (BĐS) khu vực miền Tây Nam Bộ.
Tây Nam Bộ – Vùng đất mới đầy tiềm năng
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ Nghị quyết này, cơ sở hạ tầng ở miền Tây Nam Bộ bắt đầu được chú trọng và đầu tư. Ngoài các tuyến giao thông đã đi vào hoạt động, thì hiện nay ĐBSCL có nhiều dự án giao thông khác cũng được lập kế hoạch triển khai gồm: tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Mỹ An – Cao Lãnh,.. góp phần hình thành 7 đường cao tốc trọng điểm trục dọc và trục ngang với tổng chiều dài gần 1.000 km, kinh phí dự kiến trên 150.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có giao thông đường thủy như: Cảng biển Kiên Giang, “siêu cảng” Trần Đề,.. hứa hẹn sẽ là đòn bẩy tạo động lực cho vùng ĐBSCL tỏa sáng.
Tính đến ngày 9/11/2020, ĐBSCL được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt khi có đến 4 tỉnh lọt top 10 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cũng nhờ tình hình phát triển cũng như hiểu được tiềm năng phát triển của vùng mà chỉ riêng trong năm 2019, toàn vùng đã có 9.388 doanh nghiệp mới được thành lập, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế vùng, góp phần mở ra cánh cửa “tiến gần” đến các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực hùng mạnh, bắt đầu có sự chú ý đến các vùng đất mới, điển hình là miền Tây Nam Bộ, vốn giàu có về tiềm năng phát triển nhưng vẫn chưa được khai thác tương xứng, trong đó BĐS chính là kênh được quan tâm nhiều nhất, với nhiều dự án được đầu tư từ nhiều “ông lớn” ngành địa ốc. Chính vì tầm nhìn, các chủ đầu tư đã dự đoán được khả năng phát triển vượt trội trong tương lai của vùng.
Sóc Trăng – Giao điểm hội tụ giao thương toàn vùng
ĐBSCL nhận được “ưu ái” đặc biệt từ Chính phủ về việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, tỉnh Sóc Trăng chính là đô thị hạt nhân, tỉnh có 3 tuyến cao tốc trọng điểm đi qua: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Nhờ khai thác tốt lợi thế vị trí, văn hóa, các tài nguyên du lịch sẵn có cũng như xác định đúng hướng phát triển,.. Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và Thành phố Sóc Trăng đang dần “cán mốc” đô thị loại II của vùng.
Nhìn nhận và đánh giá đúng tiềm năng phát triển, đến nay Sóc Trăng đã có những có con số tăng trưởng “biết nói’, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng tăng từ 29.145 tỷ đồng (2018) lên 33.500 tỷ đồng (2019) và 40.000 tỷ đồng (2020), tốc độ tăng trưởng bình quân 13,2%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp vùng biển là 8.270 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, tỉnh đã tiếp và làm việc với 170 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện các dự án đầu tư; có 16 dự án được cấp đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 6.900 tỷ đồng; trong đó, có 2 dự án FDI, với vốn đăng ký hơn 500 tỷ đồng. Có 375 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký 2.500 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh là 2.900 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 31.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Sóc Trăng chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án lớn về năng lượng sạch, trong đó có 4 dự án điện gió. Hoạt động du lịch phát triển, số lượt khách tham quan và doanh thu dịch vụ du lịch tăng, trong năm 2019 toàn tỉnh đón 2,4 triệu lượt khách tham quan, du lịch với tổng doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ.
Đặc biệt, Sóc Trăng sở hữu “siêu cảng Trần Đề”, đây là bệ phóng cho toàn vùng ĐBSCL phát triển có vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Từ vị trí xây dựng Cảng Trần Đề sẽ kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ liên vùng thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quản Lộ – Phụng Hiệp nối Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau.
Đi kèm theo đó, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng mở cửa kêu gọi đầu tư. Điển hình là sau hội nghị xúc tiến đầu tư – khởi nghiệp quy mô lớn nhất vào 06/2018, tỉnh Sóc Trăng giới thiệu danh mục 88 dự án mời gọi đầu tư, và nhận tổng mức vốn đầu tư gần 130.000 tỷ đồng, bên cạnh đó còn thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành địa ốc như Vingroup, FLC,… đầu tư các khu đô thị lớn, tạo đà thuận lợi khởi động tiềm năng cũng như khẳng định sức hút tuyệt vời của thị trường BĐS nơi đây.
Trước nhiều tiềm năng phát triển như thế, Sóc Trăng “hứa hẹn” sẽ là vùng đất mới mang đến nhiều cơ hội đầu tư. Tin chắc rằng, tương lai không xa, Sóc Trăng chính là “gam màu sáng” trên tổng thể bức tranh phát triển kinh tế toàn vùng ĐBSCL.