Kênh xáng Xà No là công trình lớn đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy, có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kênh xáng Xà No từ lâu được xem là con đường lúa gạo của vùng Tây sông Hậu.
Kênh dài khoảng 40km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (nhánh lớn sông Hậu), đoạn qua huyện Phong Điền chạy dài tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây. Con kênh đã tạo nên cảnh quan đặc sắc cho mảnh đất Hậu Giang. Nhịp sống thương hồ, quán xá, các cửa hàng bán buôn ven sông Xà No đã tạo nên một đô thị sầm uất ở Nam sông Hậu.
Vào cuối thế kỉ XIX, để khai thác Nam Kỳ, người Pháp thấy cần thiết phải mở mang giao thông thuỷ đạo tiến về phía Tây của Nam Bộ. từ năm 1866, người Pháp đã dùng 2 chiếc xáng vét lại rạch Bến Lức và sông Bảo Định (Mỹ Tho), kênh xáng Xà No, kênh Lái Hiếu, kênh Thốt Nốt, kênh Rạch Giá – Hà Tiên và những con kênh hợp lại thành vùng Ngã Năm, Ngã Bảy.
Đến mùa khô năm 1901, kênh xáng Xà No chính thức được khởi công và tháng 7/1903 thì hoàn thành.Theo những người lớn tuổi ở địa phương cho biết tên gọi Xà No được đọc trại từ tên của người Pháp chỉ huy xáng múc con sông này là Saint-Tanoir.
Còn theo nhà văn Sơn Nam thì tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển.Kênh rộng khoảng 60m, sâu từ 2,5 – 9m, và dài khoảng 40km, bắt nguồn từ sóc Xà No (thành phố Cần Thơ) ăn thông với sông Cái Tư (Hậu Giang – Kiên Giang). Sau đó, người Pháp tiếp tục cho đào những con kênh cắt ngang, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau).
Kênh xáng Xà No đã góp phần khai thác tiềm năng lúa gạo của cả vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang, đồng thời mang đến những giá trị vô cùng to lớn trong việc vận tải đường.